LỐI ĐI NÀO CHO NGÀNH LOGISTICS VIỆT NAM

Chi phí logistics, thời gian vận chuyển luôn là điểm yếu làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu.

Vấn đề này đặc biệt nổi lên trong hai năm qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 và những sự cố xảy ra trên các tuyến đường vận chuyển truyền thống dẫn đến gián đoạn, đứt gãy hoặc tắc nghẽn luồng lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại các tuyến vận tải khu vực châu Âu – châu Mỹ.

Ngoài ra, chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực của ngành còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới.

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước trong khu vực cũng như tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn và giải pháp đặc biệt, định hình hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo bước đột phá cho phục hồi kinh tế - xã hội trong những năm 2022 - 2023, cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Tuy vậy vẫn có những tín hiệu tích cực khi thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại. Logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hơn lúc nào hết việc có cái nhìn tổng thể về thực trạng kết nối luồng hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta tại khu vực châu Âu – châu Mỹ là rất cần thiết, là cơ sở để đưa ra những khuyến nghị định hướng phát triển ngành logistics cũng như định hướng thu hút đầu tư vào logistics tại Việt Nam để phục vụ ngành xuất khẩu. Đây cũng là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp xuất khẩu để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với diễn biến thực tế trên thị trường.

Nhận thấy tầm quan trọng đó Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ” vào sáng ngày 17/12/2021 tại Hà Nội.

Tham luận tại chương trình có sự gia của Cục Xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu điển hình và các tổ chức quốc tế, đại diện thương mại khu vực châu Âu – châu Mỹ tại Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Công ty cổ phần Airtech Thế Long.

Theo Báo Đầu tư